Nhắc đến Hà Tiên chắc ai cũng sẽ biết. Vì đây là vùng đất linh thiêng.
Thị xã Hà Tiên là một dải đất hẹp nằm ven biển, với đầy đủ các dạng địa hình: vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động, hải đảo...tạo nên nhiều cảnh quan đẹp.
Sông Giang Thành bắt nguồn từ Campuchia, chảy vào khu vực Hà Tiên, dài khoảng 23 km. Sông đổ vào vũng Đông Hồ với chiều rộng cửa sông trên 200 m. Sông Giang Thành nối liền với kênh Vĩnh Tế tạo nên tuyến đường thủy quan trọng từ thành phố Châu Đốc đến thị xã Hà Tiên. Ngoài ra còn có sông Tô Châu và kênh Hà Tiên - Rạch Giá.
Tại sao người ta hay nói đến Hà Tiên là đi thập cảnh tự:
Câu hỏi quá rõ vì đây là:
“Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình,
Non non, nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy,
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành, chuông trống ỏi,
Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột,
Sừng sựng muôn năm cũng để dành.”
1. Đông Hồ ấn nguyệt (đầm Đông Hồ)
Nằm phía Đông thị xã Hà Tiên, rộng 14km2, từ Hà Tiên muốn vào đầm Đông Hồ chỉ có một cách duy nhất là đi bằng tàu hay “vỏ lãi”. Càng đi vào sâu, đầm Đông Hồ như là một thế giới gần như hoàn toàn cách biệt với nét đô thị hiện đại. Bao quanh diện tích mặt nước rộng lớn là nhiều tầng dừa nước mọc dọc theo các bãi bồi ngập trong nước. Điều kiện tự nhiên này đã tạo nên một bầu không khí trong lành và yên tĩnh đến tuyệt vời.
Tương truyền rằng : cách đây 300 năm, Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích, thường tụ hội các thi nhân đến đầm Đông Hồ ngắm trăng và ngâm thơ vào ngày rằm. Vào ngày này trăng sáng và đẹp lung linh nên nhiều “Tao nhân, Mặc khách” đã đặt cho nơi này cái tên rất lãng mạn “Đông Hồ ấn nguyệt”.
2. Lộc Trĩ thôn cư (xóm Mũi Nai)
Xuyên qua những xóm làng thanh bình, một bên là biển khơi mênh mông, một bên là dải đồi thấp với những đồi cỏ xanh mượt cùng những mảnh ruộng nhỏ xen giữa là những hàng dừa lả ngọn. Xóm quê “ Lộc Trĩ thôn cư” dựa lưng vào vách núi, nằm dưới những ngọn dừa quanh năm hứng gió biển khơi nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Với bãi biển dài hơn 1km, thoai thoải, nước khá trong so với các bãi biển của miền Tây Nam bộ nên hàng năm Mũi Nai đón hàng ngàn lượt du khách đến tắm biển, tham quan. Và dưới những vườn dừa rợp mát du khách có thể thưởng thức ẩm thực hải sản tươi sống với giá cả hợp lý.
3. Nam Phố trừng ba (bãi Nam sóng lặn)
Từ trung tâm thị xã đi về phía biển, bãi Nam Phố hiện ra là một vùng biển trời mênh mông, tĩnh lặng. Ở đây có hai bãi tắm là bãi Hòn Heo và Bãi Ớt. Tuy ở cùng một địa điểm nhưng mỗi bãi sở hữu một đặc điểm khác nhau. Bãi Ớt bao la với cát vàng mịn, mặt nước trong xanh. Còn Hòn Heo nằm lọt trong làng chài ven biển cùng tên...
Vẻ đẹp độc đáo có được của Nam Phố là do dãy núi bãi Ớt nhô hẳn ra ngoài khơi tạo thành bức bình phong khổng lồ. Do vậy, dù có vào mùa mưa bão thì biển ở Bãi Ớt vẫn hiền hòa, tĩnh lặng. Đến với Nam Phố, du khách có thể tận hưởng làn không khí dịu nhẹ với gió biển, nước biển trong veo và những con sóng nhẹ nhàng xô bờ.
4. Lư Khê ngư bạc (rạch Vược)
“Lư khê ngư bạc” là cảnh sinh hoạt của người dân xóm chài rạch Vược. Đây là dòng nước có nhiều cá chẻm được gọi một cách thi vị là “Lư khê”, nhưng người dân thì quen gọi nó với cái tên thật bình dị là “rạch Vược”. Sau những chuyến đi biển, ghe, tàu sẽ về đây trú ngụ, nghỉ ngơi (ngư bạc). Rạch Lư Khê, xưa có hai nhánh : một nhánh đổ ra biển, một nhánh thông với đầm Đông Hồ. Nơi hợp lại của hai dòng nước tạo thành một ao rộng, nước sâu trong vắt và nhiều cá. Ngược dòng Lư Khê, hai bên là những ngọn núi nhỏ nhấp nhô cùng với những túp lều tranh lúp xúp của dân chài. Về sau, khi quốc lộ 80 được xây dựng, cửa rạch Lư Khê thông ra biển đã bị lấp, con rạch chỉ còn một nhánh trổ ra đầm Đông Hồ.
5. Tiêu Tự thân chung (chùa Tam Bảo)
Chùa Tam Bảo nằm ngay trung tâm thị xã Hà Tiên, chùa được thành lập năm 1730, do Mạc Cửu sáng lập để mẹ của ông là Thái Bà Bà tu niệm, bấy giờ gọi là Tiêu Tự. Sau khi bà mất, ông đã cho đúc một tượng phật với một chuông bằng đồng để thờ và tưởng niệm đấng từ thân. Mạc Thiên Tích đã vịnh cảnh “ Tiêu Tự Thần Chung” trong Hà Tiên thập Cảnh như để nói lên tâm tư của mình khi ở nơi dinh thự, khi nghe tiếng chuông chùa vào buổi sáng. Hiện nay, sau chùa còn ngôi mộ của Thái Bà Bà, xung quanh chùa còn lại bức tường cổ gần 300 năm, họ Mạc đã cho xây dựng để ngăn giặc.
6. Giang Thành dạ cổ (lũy Giang Thành)
Sông Giang Thành bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia chảy vào Việt Nam theo hướng Bắc Nam, rồi đổ vào đầm Đông Hồ, trước khi ra vịnh Thái Lan. Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau gọi là ngã ba Giang Thành; và đây chính là một thắng cảnh của trấn Hà Tiên xưa. Có người cho rằng, tên Hà Tiên là do Mạc Cửu đặt khi ông đặt chân đến đây, vì mến cảnh trần gian nơi đây có nhiều cảnh đẹp, non nước hữu tình, tiên nữ thường xuất hiện trên sông Giang Thành nên gọi là Hà Tiên. Thời Mạc Thiên Tứ cai quản trấn Hà Tiên, ông đã cho xây dựng ở Giang Thành một lũy đất dài 17km, rộng khoảng 1m; chạy dài từ bờ sông đến chân núi Châu Nham, và cho đặt vài đồn canh phòng nhằm ngăn chặn giặc xâm lấn.
7. Kim Dự lan đào (núi Pháo Đài)
Kim Dự hay núi Pháo Đài là một ngọn núi nhỏ ở sát vịnh Thái Lan. Núi nằm về phía Tây Bắc bãi biển Mũi Nai. Đây là một trong 10 cảnh đẹp của đất Hà Tiên xưa, từng được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua bài “Kim Dự lan đào” tức đảo vàng chắn sóng. “Suy hình hài như thả ngọc phong”, ý muốn nói Kim Dự như một hòn đảo ngọc, bập bềnh trôi nổi trên biển. Chung quanh núi có khá nhiều cây phượng vĩ cổ thụ, đỏ rực như màu xác pháo khi hè về. Có một vài cây hoàng lan hoa vàng nhạt tỏa hương ngan ngát khi màn đêm buông xuống.
8. Bình San điệp thúy (núi Bình San)
Núi Bình San hay còn gọi là núi Lăng là một bức tranh phong cảnh tuyệt vời, yên bình và khoáng đạt. Núi Bình San có độ cao hơn 50m, quanh năm luôn tươi tốt một màu xanh. Dưới chân núi Bình San, ao sen hình bán nguyệt chứa nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, được đào từ thời Mạc Thiên Tích đến nay vẫn còn được người dân Hà Tiên sử dụng. Du khách đến thăm núi Bình San, đứng ở trên cao có thể ngắm được toành cảnh Hà Tiên tươi đẹp trù phú. Mọi nét đẹp của Hà Tiên như hòn Phụ Tử, Thạch Động Thôn Vân, thắng cảnh Mũi Nai…đều được thu vào tầm ngắm một cách hoàn hảo. Đây cũng là nơi yên nghĩ của dòng họ Mạc, đứng đầu là Mạc Cửu.
9. Thạch Động thôn vân (núi Thạch Động)
Thạch động còn được gọi Thạch Động thôn vân (động đá nuốt mây), tảng đá xanh khổng lồ cao 80m nằm giữa một vùng đất rộng. Đứng lưng chừng núi, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thị xã Hà Tiên thơ mộng thu nhỏ, thấy các ngôi làng của người Campuchia dọc biên giới ẩn hiện dưới chân đồi. Chẳng biết tự bao giờ mà người dân Hà Tiên tự hào: Thạch động chính là nơi khởi nguồn của câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh chém Chằn” thấm sâu trong ký ức tuổi thơ. Vào trong Thạch Động, thạch nhũ lâu ngày đã tạo những hình thù: “Chằn tinh”, “Cô gái tóc dài” mà dân gian quen ca tụng là Phật Bà Quan Âm…
10. Châu Nham lạc bộ (núi Đá Dựng)
Từ Thạch Động đi thêm 2km thì đến núi Đá Dựng. Đây là ngọn núi đá vôi cao 83m, đỉnh bằng phẳng, bên trong có nhiều hang động đầy thạch nhũ óng ánh trông như ngọc châu. Mạc Thiên Tích đặt tên là “Châu nham lạc lộ”, châu nham là núi như châu ngọc, lạc lộ là bãi chim cò thường đến ngủ. Núi Đá Dựng cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 6km, đến tham quan di tích lịch sử này, bạn như trở về cội nguồn dân tộc, đồng thời khám phá vẻ đẹp kỳ bí của các hang động.
TOUR HÀ TIÊN CHÂU ĐỐC 2018: http://thetripstourist.vn/tour-trong-nuoc/tour-mien-nam/tour-chau-doc-ha-tien-don-tet-nguyen-dan-2018-detail.html